15 tháng 1, 2009

Đi chùa ăn chay


Đi ăn cơm chùa, không phải vì câu chuyện “ăn chùa” như người ta thường nói, mà với nhiều người là để tìm về một chốn bình yên, tách bạch hẳn với những lo toan cuộc sống xô bồ thường nhật

Ừ thì ở các chùa, khi làm món chay đãi khách, chùa nào cũng những món chay quen thuộc chế biến theo bài bản với nguyên liệu phổ biến là tàu hũ ky, mì căn… gia giảm gia vị, nấu như đồ mặn để đãi thực khách. Nhưng cũng có một lối đi ăn cơm chùa khác, là tìm đến những món chay quen thuộc trong bữa thường ngày của các vị tăng ni – một bữa cơm thanh đạm, đơn giản.

Mộc mạc, dân dã

Ghé Mỹ Luông, ông cụ Lý rủ sang cù lao Giêng đi ăn cơm chay ở chùa Phước Long – có từ thập niên 1930, cụ Lý bỏ nhỏ: “Đi ăn cơm chay chùa, nên đến bất ngờ, như vậy mới được thưởng thức những món ăn thường ngày của các vị tăng ni, bên chùa này có nhiều món ngon đơn giản nhưng thú vị lắm”. Đến chùa vừa tầm trưa, vị ni cô Diệu Huyền bày mâm cơm và đãi món đặc sản. Đơn giản chỉ là cây cải xanh đã héo, bán rẻ ngoài chợ được chùa mua về, ngâm trong nước muối vài ngày sau lấy ra máng lên cành trúc phơi khô, cắt khúc bỏ chảo dầu chiên như chiên xù. Khi vớt ra rắc trên lớp cải một ít đường. Món cải có vị mặn, chua, ngọt… ăn với cơm cực kỳ bắt. Chùa cũng hay lấy trái sa kê tẩm bột cắt miếng mỏng, chiên giòn, chấm nước tương ăn cơm, hay lấy trái mít sống gọt vỏ xắt cục đem kho tương… ăn cơm thường ngày, khách quen đến chơi dùng cơm chay, có món gì ăn món đó.

Cái kiểu đi ăn chùa đột xuất cũng là cái thú của nghệ nhân cây kiểng Nguyễn Hoàng Huy, tác giả của vườn cảnh Đông Phương, Kiến trúc Trung Hoa… cũng là người cù lao Giêng. Với ông, đi chùa là để giải toả căng thẳng, để ngao du. Nhiều buổi ghé chùa chơi, đến bữa nhà chùa không chuẩn bị gì, ra hái nắm lá ớt, bồ ngót, mồng tơi, dền, ba bốn thứ lá mọc đầy ngoài vườn, sân chùa, đem nấu, nặn chanh thành nồi canh chua, chan húp tuyệt vời, ngon, dễ làm, dễ gây cho người ta nhớ.

Trải lòng qua món chay

Đi chùa ăn chay, với những người thành thị còn là dịp để vãn cảnh, tham quan, thư giãn ở những ngôi chùa lớn khắp các tỉnh thành. Như thường gặp ở nhà Lớn – Long Sơn, Vũng Tàu, nơi rất đông khách thập phương lui tới mỗi ngày tham quan. Khách đến quần thể kiến trúc bằng gỗ đồ sộ, cổ xưa vào bậc nhất Nam bộ này được những lão ông – lão bà là người phục vụ của nhà Lớn dắt đi tham quan từng khu vực, từ nhà nghỉ, nhà thờ, nhà ăn, nghe kể câu chuyện về nhà Lớn, và sau đó được nhà Lớn đãi một mâm cơm chay do chính những người dân Long Sơn con cháu của nhà Lớn làm. Bữa cơm với thành phần chính là cơm, đậu hũ, tương, chao, rau, giá… được bày trong không gian cổ kính của kiến trúc nhà Lớn, đủ cho những du khách từng đến tham quan di tích này cảm thấy như nhẹ lòng hơn.

Riêng với những người dân Long Sơn, việc phục vụ mâm chay cho những vị khách phương xa đến vãn cảnh nhà Lớn như là niềm tự hào. Ngày ngày từ già trẻ, lớn bé, dành thời gian rảnh đến nhà Lớn, quần tụ dưới bếp mỗi người một việc chế biến những món chay đặc trưng đãi khách, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng, và tìm thấy niềm vui trong việc phục vụ du khách thập phương qua những món chay.

Phục vụ món chay đãi khách ở các chùa, nhất là ở Sài Gòn, nay cũng hạn chế đi nhiều, chỉ còn những chùa lớn ở một số nơi và ngoại tỉnh duy trì, nhưng cái thú vị của người đi ăn chay chùa không phải đi ăn miễn phí. Cái chính là muốn tìm sự thảnh thơi, thanh thản, mâm cơm chay chỉ là một điểm nhấn nhỏ, một cái cớ để gần gũi trong không gian tĩnh tại, bình yên của chùa chiền, và còn gì hơn khi được ngồi nhàn đàm với những vị chân tu hay những bằng hữu thân thuộc bên mâm cơm chay nơi cửa thiền.

Theo SGTT