26 tháng 1, 2009

Nên dùng tảo SPIRULINA như thế nào ?

Trong thời gian gần đây, do một số quảng cáo có nội dung nặng phần thương mại nên không ít người đã và đang dùng tảo Spirulina trên tinh thần cường điệu, thậm chí cả tin như đây là một loại thuốc trị bá bệnh! Đáng tiếc vì như thế chỉ dẫn đến nhiều trường hợp thất vọng sau thời gian áp dụng. Mặc dầu thành phần của Spirulina rõ ràng có tính ưu việt, tặng vật này, cũng như bất cứ hoạt chất sinh học nào khác, chỉ có thể triển khai tối đa tính hữu dụng nếu được dùng đúng cách, nghĩa là đúng chỉ định và đúng liều lượng.

Nói chung, nguyên tắc sử dụng Spirulina xoay quanh cách ứng dụng một cách chọn lọc toàn bộ acid amin chủ yếu cho nhu cầu kiến tạo sinh tố và khoáng tố để bổ sung nguồn dự trữ các chất kháng oxy-hóa để ngăn chặn tiến trình lão hóa biểu lộ qua triệu chứng xơ vữa và dấu hiệu thoái hóa.


Trên thực tế, liều lượng của tảo Spirulina tất nhiên thay đổi trong phác đồ và trong tiến trình điều trị tùy theo nhu cầu cá biệt của mỗi đối tượng, ngay cả cho mục tiêu phòng bệnh, nhưng không đến độ quá cao như liều lượng được đề nghị một cách thái quá trong nhiều tờ bướm. Thông thường có thể phân chia liều áp dụng của tảo Spirulina vào 3 nhóm: liều cao cho trường hợp suy nhược trầm trọng: từ 4 đến 6g tảo nguyên chất/ngày; liều trung bình cho bệnh nhân có nhu cầu hồi phục nhưng không quá khẩn cấp: từ 2 đến 4g tảo nguyên chất/ngày; liều thấp cho đối tượng đã ổn định về mặt sức khỏe nhưng cân duy trì tác dụng: từ 1 đến 2g tảo nguyên chất /ngày.

Tảo Spirulina khó gây ngộ độc do tích lũy vì hoạt chất trong tảo vừa dễ dung nạp, vừa dễ được đào thải nếu thặng dư. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, không nên dùng tảo một lần với lượng quá cao. Trái lại, nên chia đều trong ngày để hoạt chất vừa dễ được hấp thu vừa không gây gánh nặng cho cơ quan biến dưỡng như gan thận. Cũng đừng áp dụng tảo Spirulina với định kiến càng nhiều càng tốt, cang thường càng hay. Cũng như với bất kỳ dược liệu nào khác, người dùng tảo Spirulina nên tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc để tùy theo cơ tạng, thể trạng và tình trạng bệnh lý mà linh động áp dụng như sau:

1. Người bệnh tim mạch: Để chia sẻ gánh nặng cho trục tiêu hóa không nên dùng tảo ngay sau bữa ăn chính, ngoại trừ trường hợp dùng tảo ở liều thấp. Tốt hơn nên uống tảo khoảng 1 giờ sau bữa điểm tâm để tận dụng công năng trợ tim của khoáng tố magnesium và calcium trong tảo, sau khi đã kiểm soát huyết áp. Để tránh tác dụng lợi tiểu ban đêm khiến bệnh nhân có thể mất ngủ do thành phần kalium trong tảo, không nên dùng tảo Spirulina vào buổi tối.

2. Người bệnh tiểu đường: Để vừa cung cấp dưỡng chất, vừa chống cảm giác đói bụng vốn là nỗi khổ của nhiều người bệnh tiểu đường, nên dùng tảo trước mỗi bữa ăn và nhất là vào buổi tối để người bệnh không bị dằn vặt vì cảm giác đói trong đêm rồi sinh mất ngủ. Bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chống viêm đa thần kinh ngoại biên có thể yên tâm dùng chung với tảo vì thành phần sinh tố B và nhiều loại acid amin trong tảo có tác dụng cộng hưởng với thuốc đặc hiệu.

3. Người bệnh dạ dày: Nhằm tối ưu hóa công năng chống tác dụng xoi mòn của chất chua trong dạ dày, vừa cung cấp chất đạm để làm lành ổ loét, nạn nhân của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên dùng tảo theo kiểu hai mặt giáp công, uống trước mỗi bữa ăn khoảng 15 phút và sau bữa ăn khoảng nửa giờ, nghĩa là tối thiểu 3 lần trong ngày.

4. Người lao tâm: Với người căng thẳng thần kinh vì stress, việc dùng tảo trước bữa ăn sáng với ly nước khoáng lớn (300ml) là biện pháp nên được thực hiện mỗi ngày. Nhưng quan trọng không kém là thói quen dùng tảo khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ để cơ thể kịp thời biến tryptophan trong tảo thành serotonin, hoạt chất giữ vai tro quyết định cho giấc ngủ yên bình.

5. Người lao lực: Tùy theo mức độ suy nhược có thể dùng tảo sau mỗi bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Đừng bắt đầu với liều cao. Trái lại, nên bắt đầu với liều trung bình rồi tăng dần sau mỗi đợt dùng thuốc 5 ngày cho đến khi đạt được hiệu quả mong muốn thì trở lại liều thấp để ổn định tác dụng.

6. Người cao tuổi: Để cung cấp dưỡng chất một cách hòa hoãn theo đúng nhịp sinh học của cơ thể người cao tuổi chỉ nên dùng liều thấp và chia đều trong ngày. Cách này cũng có thể áp dụng cho người chay trường, chẳng hạn dưới hình thức sau mỗi bữa cơm và thêm một lần trước khi đi ngủ. Riêng với người tập dưỡng sinh hay vật lý trị liệu thì 500mg tảo Spirulina sau mỗi buổi tập là điều cần thiết.

7. Thai sản phụ: Bên cạnh chất đạm cần thiết cho sự tăng trưởng của thai nhi, trẻ sơ sinh, để cung cấp cho cơ thể acid folic, tiền sinh tố A, sắt ... nên dùng tảo Spirulina ở liều trung bình trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Trong ba tháng cuối nên theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc. Trong suốt thời gian cho con bú, người mẹ có thể yên tâm dùng tảo với liều cao. Khéo hơn nữa là dùng tảo sớm hơn cho người muốn mang thai vì nhu cầu về acid folic bội tăng nhiều tuần trước khi thụ tinh.

8. Trẻ con: Tảo Spirulina trên nguyên tắc có thể áp dụng cho trẻ ở mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ rối loạn tiêu hóa do lạm dụng thuốc kháng sinh, nhưng phải hỏi ý kiến thầy thuốc. Điểm bất lợi duy nhất là tảo có mùi vị không ngon khi pha vào sữa. Xin đừng quên liều trung bình mỗi ngày không được vượt quá 150mg/kg trọng lượng của trẻ/ngày.

9. Công nhân: Với người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, người làm việc trong văn phòng cao ốc đóng kín, việc áp dụng tảo Spirulina thường xuyên với liều trung bình, hay cho dù định kỳ 7-10 ngày trong tháng, chẳng hạn dưới hình thức sau bữa trưa và chiều, là một trong các biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe. Khéo hơn nữa là dùng tảo trước và sau ca trực cũng như tăng liều sau mỗi lần nghỉ bệnh.

10. Vận động viên: Nên áp dụng tảo Spirulina dưới hình thức như sau dùng liều tối đa sau mỗi lần thi đấu liều trung bình sau buổi tập luyện và liều thấp sau mỗi bữa ăn để bảo tồn tác dụng trong suốt thời gian nghỉ ngơi.

11. Người béo phì: Nhằm tận dụng chất xơ để kéo theo chất béo trong thực phẩm xuống thẳng ruột già, thay vì được hấp thu qua niêm mạc ruột non, cũng như để ức chế cảm giác đói, người muốn giảm cân nên dùng tảo Spirulina với liều trung bình nhưng trước mỗi bữa ăn chính khoảng 30 phut.

12. Bệnh nhân sau đợt xạ trị, sau liệu trình chống lao: Để chống thiếu máu cũng như nhằm yểm trợ tiến trình tổng hợp kháng thể, nên dùng tảo Spirulina ở liều cao sau mỗi bữa ăn chính cho đến khi xét nghiệm huyết học trở về định mức bình thường. Sau đó có thể tiếp tục dùng tảo dài hạn ở liều trung bình.

Hoạt chất nào, dù là hóa chất tổng hợp hay nguyên liệu thiên nhiên, đều có thể trở thành độc chất nếu bị lạm dụng. Với tảo Spirulina cũng thế. Người tiêu dùng không nên tự ý áp dụng lâu dài nếu chưa tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc. Lại càng không nên áp dụng theo lời đồn hay rập theo cách người khác đã sử dụng. Có được thuốc tốt trong tay là điều may mắn. Nhưng muốn tảo Spirulina thực sự nên thuốc, nên nhớ mỗi người là một cá thể với khả năng cảm ứng hoàn toàn cá biệt. Cũng đừng quên vai trò không thể thay thế của thầy thuốc.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG (Trung tâm Oxy Cao áp TP)